Các diễn giả tham dự buổi đối thoại Đối thoại biển lần thứ tư
TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tham gia đối thoại với các diễn giả đến từ các quốc gia trong khu vực biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia. Tại đây, các diễn giả đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng như: Thực trạng tình hình ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, đặc biệt ở khu vực Biển Đông; nguyên nhân khiến tình trạng này đến nay chưa được giải quyết triệt để; các nguyên nhân của việc thiếu hiệu quả trong hợp tác quốc tế ở lĩnh vực này. Các diễn giả đều đã nêu bật việc lạm dụng sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần của con người như túi nilon, ống hút, cốc nhựa... cũng như những tác hại rõ ràng của nhựa đối với sức khỏe loài người. Các diễn giả khẳng định rác thải nhựa đại dương là 1 vấn đề toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đơn phương xử lý vấn đề này mà cần được phối hợp, thực hiện các biện pháp chung. Tuy nhiên, biện pháp ngắn hạn là cần phải có phương án thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, cốc, ống hút... Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa tiên tiến, hiện đại có thể giúp rút ngắn thời gian tồn tại của rác thải nhựa.
Bàn về các chính sách quản lý rác thải nhựa đại dương của Chính phủ Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn cho biết: Hiện nay, Việt Nam có hai luật liên quan đến quản lý chất thải nhựa gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015. Cùng với đó là việc ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/11/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, ngoài việc triển khai tốt chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Biển Đông. Để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực cần có kế hoạch hành động cùng với nguồn lực hậu thuẫn phù hợp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các sản phẩm tái chế, công nghệ tái chế trong tương lai, chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa.
Phạm Văn Hiếu